Hợp tác tái thả động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm về môi trường tự nhiên VQG Phong Nha – Kẻ Bàng
Lượt xem:
Ngày 6/7/2020, BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội để trao đổi thông tin và thảo luận cơ hội hợp tác về hoạt động cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã. Tham dự buổi làm có các đồng chí Lãnh đạo BQL Vườn, lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc; Về phía đoàn công tác Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội có ông Lương Xuân Hồng – Giám đốc Trung tâm làm Trưởng đoàn, lãnh đạo các phòng trực thuộc, đại diện Chi cục Chăn nuôi & Thú y Hà Nội, Phòng CSKT-CA TP Hà Nội.
Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội là một trong những đơn vị đầu tiên trên cả nước được thành lập thực hiện chức năng cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh sản, tổ chức nghiên cứu nguồn ĐVHD các thế hệ sau (F2), là một trong những đơn vị có cơ sở vật chất tốt nhất trong các trung tâm cứu hộ thuộc khối Nhà nước với đội ngũ cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm chăm sóc, điều trị trong cứu hộ động vật hoang dã. Mặt khác, các yêu cầu và tiêu chuẩn quốc tế về phúc lợi động vật trong nuôi, nhốt ĐVHD đang ngày càng được nâng cao.
Trong khuôn khổ chương trình công tác, ngày 5/7/2020, Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã phối hợp Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tổ chức tái thả động vật rừng đã hoàn tất công tác cứu hộ, kiểm dịch tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội về môi trường tự nhiên VQG Phong Nha – Kẻ Bàng theo Quyết định số 909/QĐ-SNN ngày 24/6/2020 của Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Hà Nội về việc tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ về môi trường tự nhiên Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình.
Tham gia thả có đại diện lãnh đạo BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng; đại diện Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội; Đại diện Lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Bố Trạch; Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội; Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật.
Tổng số động vật hoang dã thả đợt này là 42 cá thể gồm 6 loài: Rùa sa nhân (Cuora mouhotii); Cu li lớn (Nycticebus cuocang); Cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus); Khỉ đuôi lợn (Macaca nemestrina); Khỉ mặt đỏ (Macaca arctoises); Khỉ vàng (Macaca mulatta)
Trong số động vật được thả đợt này có 02 loài (Cu li lớn và Cu li nhỏ) thuộc Phụ lục I Nghị định 64/2019/NĐ-CP, Nhóm IB Nghị định 06/2019/NĐ-CP; số còn lại thuộc Nhóm IIB Nghị định 06/2019/NĐ-CP.
Đây là một trong những hoạt động thiết thực, có ý nghĩa trong việc bảo tồn đa dạng sinh học; đồng thời kết nối các Vườn quốc gia, các cơ sở cứu hộ, bảo tồn và các Vườn thú trong nước để chia sẻ kinh nghiệm về công tác cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã, hợp tác trao đổi mẫu vật và tái thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên./.