Huấn luyện, lưu giữ cây giống bản địa có giá trị bảo tồn loài tại Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng
Lượt xem:
Nâng cao chất lượng cây giống bản địa, đảm bảo sinh trưởng và phát triển tốt có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cho Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Vườn ươm cây giống bản địa tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng được xây dựng và đưa vào hoạt động năm 2012 từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước. Đây là nơi nghiên cứu, phát triển và sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp có quy mô tương đối lớn ở khu vực Bắc Trung bộ. Có diện tích 1,0 ha được trang cấp các thiết bị khá hiện đại và tiêu chuẩn; ước tính công suất mỗi năm có thể sản xuất được trên 20 vạn cây giống để trồng rừng. Trong quá trình sản xuất, tuyển chọn cây giống nhiều năm qua, một số loài cây giống còn tồn đọng trong vườn ươm chiếm không gian và diện tích khá lớn, sinh trưởng và phát triển quá kích cở gây ảnh hưởng đến hệ thống giàn che và có nguy cơ làm hư hỏng nền luống, hệ thống tưới nước bán tự động; nhiều loài cây có chất lượng kém cần loại bỏ để đảm bảo không gian, diện tích phục vụ công tác nhân giống, huấn luyện mới và tạo môi trường thuận lợi cho một số loài cây giống có giá trị sinh trưởng và phát triển tốt.
Loại bỏ các loài cây giống bản địa có chất lượng kém giá trị thấp, phát triển quá kích cở, không tận dụng được, bao gồm: Săng máu, Máu chó, Vàng nghệ, Mây nước, Dẻ cau, Dẻ Ấn độ, Thập tử mảnh, Thập tử ít hoa, Săng lẻ, Dâu da xoan, Kháo nhậm, Nhội tía, Muồng hoa đào, Muồng nhiều hoa, Xoan nhừ, Re gừng, Trường sâng bằng phương pháp cắt gốc, loại bỏ toàn bộ gốc rễ trong nền luống, băm nhỏ, rải đều để tự phân hủy.
Huấn luyện mới một số loài cây giống bản địa có giá trị và hình dáng đẹp, bao gồm: Dáng hương, Trắc, Ươi, Vàng Anh bằng phương pháp trồng huấn luyện mới phải tiến hành cắt tỉa hết cành, nhánh để hạn chế mất nước, đảm bảo chiều cao từ 2 – 3m; khi đào gốc phải hạn chế làm tổn thương, hư hỏng đến bộ rễ. Sau khi đào gốc tiến hành xén rễ bầu đảm bảo đường kính rễ trước khi trồng và tiến hành chăm sóc theo tiêu chuẩn kỹ thuật huấn luyện cây giống.
Trồng dặm và bổ sung cây bản địa tại Khu cứu hộ mới là những cây gỗ lớn, có giá trị cảnh quan, có khả năng cung cấp thức ăn cho động vật, bao gồm: Ba chia, Quất hồng bì, Dâu da đất, Trám đen, Lim xanh, Lát hoa, Sao đen, Gụ lau, Hồi núi. Đồng thời loại bỏ những cây có chất lượng kém, không có khả năng phát triển được.
Việc huấn luyện cây giống bản địa do cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật thực hiện nhằm tạo không gian và diện tích phù hợp để tiếp tục lưu giữ, phát triển cây giống bản địa tại Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng góp phần bảo tồn loài thực vật có giá trị cao về kinh tế và bảo tồn đa dạng sinh học.
Lân Nguyễn